Một bước đường thôi …

Hôm qua trên đường đến Varanasi[1], trên đường đi, mong đến nơi sớm, còn đi dạo miền đất mà nghe nói là trung tâm văn hóa Ấn độ cổ xưa. Trong thời Đức Phật, Varanasi là thủ đô của vương quốc Kashi. Kinh đô trải dài 5km dọc theo bờ Tây sông Hằng.

Đâu biết đường sá sửa chữa làm ùn tắc xe cộ. Và đến nơi, vào được thành phố, thành phố cũng đang sửa đường, xe chạy vòng vèo tránh những con đường đang sửa chữa. Đến nơi nghỉ cũng chưa có đường vào, đành xuống xe, cuốc bộ một khoảng ngắn. Ngắn thôi, không đáng để nói, nhưng có một khoảng ngắn mà xe đến không được. Thầy Tuệ Sỹ có câu thơ:

Một bước đường thôi nhưng núi cao,
Trời ơi mây trắng đọng phương nào.

Không biết ý thầy ra sao, nhưng đủ để nhắc nhớ có những cái thấy trong tầm tay, chưa chắc nắm được.

Ngày 10 – 22/10/2019: Sông Hằng, Vườn Nai.

Buổi sáng, dường như sáng nào cũng cần thức sớm, vì những nơi đến, cần đến trước khi mặt trời lên!

Ra sông Hằng, nghe hai chữ sông hằng, vui mừng biết bao, quản gì hôm qua đến muộn, sáng nay đi sớm. Được dặn dò kỹ lưỡng, ai cũng cầm một đèn pin để soi đường, nhưng bây giờ khác 20 năm xưa! Đường đi đã có đèn đường soi tỏ và cũng không đến nỗi đáng sợ như những người đi cách đây hơn 10 năm mô tả.

Ra đến bến sông, nhìn cảnh tượng, như tranh vẽ đã từng thấy. Cảnh trí lạ lùng, trên một bến sông thiêng! Người ta thường nói, trong cái không trật tự, đều có một trật tự trong đó. Nhìn mới thấy là đúng.

Đèn còn chiếu sáng trên Ghat.

SongHang1

Thuyền chờ sẵn trên sông để đưa du khách ra sông, đón ánh mặt trời lên.

SongHang-thuyen

Trên sông nước nhìn lại bờ, nếu đang sống một đời bình yên, mà rời bỏ, liệu có quay lại nhìn hay vẫn lướt sóng ra khơi!

SongHang-thuyenbo

Thuyền đi ngang nơi thiêu xác, chỉ thấy củi và khói, đến gần nhìn rõ hơn, thấy một ngọn lửa. Còn cảnh thiêu như nghe tả thì không biết nơi nào.

SongHang-lua

Nhìn về phía chân trời, hôm nay dường như mây dầy, chỉ thấy sông nước mênh mông, và trong gió nhẹ buổi sáng, còn mang theo lời vua Ba-tư-nặc.

SongHang

Phật nói với vua Ba-tư-nặc: Hình thể của ông đâu phải bỗng nhiên biến hoại!

Vua đáp: Bạch Thế Tôn! Sự biến hóa âm thầm dời đổi, con thật chẳng hay, mùa đông mùa hạ thấm thoát trôi qua, dần dần đến thế này. Tại sao? Khi hai mươi tuổi, dù gọi là trẻ, nhưng mặt mày đã già hơn lúc lên mười, khi ba mươi tuổi lại sút hơn lúc hai mươi, đến nay đã sáu mươi hai, so với lúc năm mươi thì suy yếu hơn nhiều. Thế Tôn, con cảm thấy sự dời đổi âm thầm trôi chảy theo kỳ hạn mười năm, nhưng nếu suy xét tỉ mỉ thì cái biến đổi ấy đâu phải từng 10 năm! Thật ra thì mỗi năm mỗi đổi, cho đến mỗi tháng, mỗi ngày, mỗi giờ, trong mỗi sát na niệm niệm biến đổi chẳng ngừng, nên biết thân này chung quy biến diệt vậy.

Phật nói: Ông thấy biến hóa dời đổi chẳng ngừng, ngộ biết phải diệt. Vậy trong lúc diệt, ông còn biết trong thân có cái gì chẳng diệt chăng?

Vua Ba Tư Nặc chấp tay bạch Phật: Con thật chẳng biết!

Phật nói: Nay ta chỉ cho ông cái tánh chẳng sanh diệt. Đại Vương, ông thấy nước sông Hằng hồi mấy tuổi?

Vua đáp: Lúc lên ba, mẹ con dắt đi yết lễ thần Tỳ Bà Thiên, đi qua sông này, khi ấy đã biết sông Hằng.

Phật nói: Như lời ông nói, lúc hai mươi tuổi thì sút hơn lúc lên mười, cho đến sáu mươi niệm niệm dời đổi theo từng ngày giờ. Vậy khi ông ba tuổi thấy nước sông, rồi đến năm mười ba, thấy nước sông, tánh thấy như thế nào?

Vua đáp: Tánh thấy cũng giống như khi ba tuổi, cho đến năm nay đã sáu mươi hai cũng chẳng có khác. (Bản kiến vốn chẳng sanh diệt biến đổi).

Phật nói: Nay ông tự than đã già, mặt ông chắc phải nhăn hơn lúc trẻ, vậy hiện nay thấy sông Hằng với lúc nhỏ thấy sông Hằng, cái tánh thấy có già trẻ gì chăng?

Vua đáp: Bạch Thế Tôn! Không ạ!

Phật nói: Mặt ông dù nhăn mà cái tánh của kiến tinh (năng thấy) chưa từng nhăn, có nhăn là biến, chẳng nhăn thì bất biến; biến ắt phải diệt, bất biến vốn chẳng sanh diệt. Vậy lấy gì để thọ nhận sanh tử cho ông? Mà còn đem tà thuyết của bọn Mạt Già Lê kia, cho là thân này sau khi chết đoạn diệt!

Thuyền chưa đến dải đất nhìn thấy trước mắt, đành quay trở về, và mặt trời còn sau đám mây dầy.

songHang-matroi

Không thể chờ được, đành rời sông Hằng.

“Hằng hà sa số”, số cát sông Hằng, có lẽ không thể tính đếm. Phật luôn dùng để thì dụ. Gần nhất có lẽ những niệm khởi suy diễn lung tung, không biết nhiều như số cát sông Hằng chưa. Hiện giờ  danh từ này cũng được đưa vào tự điển tiếng Việt và người Việt thì sử dụng như tiếng Việt luôn!

Trên đường trở về xe, đi ngang thấy người dân bán nhánh cây ngày xưa dùng để chà răng.

DuongChi

Hiện nay Ấn Độ vẫn còn nhai nhấm cây này, người ta dùng cây này để chế biến thuốc đánh răng, ai cũng cho biết là rất tốt. Ngày xưa chẳng cần gì, chỉ một đoạn nhỏ, có thể chà răng lâu dài! Khi ăn xong, nhai nhấm đầu cây này đọc thầm:

Tước dương chi thời,
Đương nguyện chúng sinh,
Kỳ tâm điều tịnh,
Phệ chư phiền não.

Khi nhai nhánh cây xỉa răng,
Cầu cho tất cả chúng sinh,
Tâm được điều hòa, thanh tịnh,
Cắn nát tất cả não phiền.

*

Đến tháp Chaukhandi, còn gọi là tháp Ngũ tỳ kheo nghênh Phật, nơi Đức Phật gặp lại năm anh em Kiều Trần Như, sau khi rời Bodh Gaya.

Chaukhandi

Sử truyện ghi lại,

Bỗng một hôm năm anh em Kiều Trần Như trông thấy đức Cồ Đàm tìm đến với họ. Khi thấy bóng dáng Ngài còn đang thấp thoáng ở ngoài xa, họ đã bảo nhau là sẽ không ra đón tiếp và cũng không cần phải đứng dậy khi Ngài vào tới nơi. Họ nói:

– Sa môn Cồ Đàm hồi đó đang tu khổ hạnh với chúng ta thì bỏ cuộc nửa chừng. Ông ta đã ăn uống và vào ra thôn xóm giao thiệp với người làng, làm cho chúng ta hết sức thất vọng. Vậy hôm nay ông ấy đến đây, chúng ta cũng không nên đón tiếp nồng hậu làm gì.

Nhưng kì lạ làm sao, sự tình đã không xảy ra đúng như họ dự tính! Khi đức Cồ Đàm vừa bước vào tới chỗ của họ thì không ai bảo ai, tất cả năm người đều mừng vui đứng dậy. Chính sa môn Kiều Trần Như tiến tới trước, đỡ lấy chiếc bình bát trên tay Ngài; các vị khác, người thì lấy nước rửa chân cho Ngài, người thì lấy ghế mời Ngài ngồi, người thì lấy quạt để quạt hầu, người thì cuống quít không biết phải làm gì.

Sau khi rửa mặt, tay, chân, và ngồi xuống ghế, đức Cồ Đàm nhìn khắp lượt năm người bạn đồng tu một cách thân thiết, rồi nói:

– Này quí vị! Tôi đã tìm ra đạo giải thoát, và tôi sẽ chỉ dạy lại cho quí vị.

Đi một khoảng nữa thì đến Sarnath (Lộc Uyển – vườn nai). Hiện nay tháp Dhamekh đã được trùng tu.

thap-Dhamekh

Đoàn đi quanh tháp và tìm một bóng mát tọa thiền. Nơi đây Đức Phật nói nói pháp Tứ Diệu Đế, bánh xe pháp luân đã bắt đầu chuyển[1]. Tọa thiền trên bãi cỏ xanh.

Phật tại Ba-la-nại,
Vì năm vị Tỳ-kheo,
Khai mở nguồn cam lồ,
Giảng pháp bốn chân đế:
Khổ, tập, diệt, đạo đế.
A-nhã-kiều-trần-như,
Người đầu tiên thấy Đạo,
Tám vạn chúng trời, người,
Chứng quả Tu-đà-hoàn. [3]

Trụ đá vua A-dục được khai quật tìm thấy và lưu giữ trong một nhà che chắn bởi kính, và có mái che bên trên để bảo vệ. Chữ khắc trên trụ tuy mờ, nhưng còn đọc được.

vuonnai-truda vuonnai-truda1

Khi ngài Huyền Trang đến nơi này là một cái đền kỉ niệm cao 60m. Giờ thì chỗ nào cũng chỉ còn một nền đá. Từ hương thất Phật đến chùa, phòng tăng, chánh điện…

vuonnai-1

Nền Tăng phòng ngày xưa.

vuonnai-nenTangDuong

Và những mảnh khai quật được.

vuonnai-2

Nơi đây cũng còn một vườn nai, để làm vui lòng khách đi tìm hai chữ “lộc uyển – vườn nai”. Đến đây mà không gặp nai, sao cam lòng!

Gặp nai, mừng quá. Ai cũng vội chụp, một sinh vật sống trong cổ tích với những di tích ngổn ngang được khai quật kia!

vuon-nai

Đối diện là Viện bảo tàng, trưng bày rất nhiều. Tuy không cho sử dụng điện thoại nhưng cho dùng máy chụp hình. Trong đoàn may là có một người đem theo. nên có thể ghi lại hình ảnh. Trừ một vài nơi, máy chụp hình cũng không được sử dụng.

Bước vào cửa là nhìn thấy ngay đầu trụ cột có hình sư tử của vua A-dục, minh chứng rằng, nơi mảnh đất đã khai quật được những di tích xưa.

vuonnai-sutu-1

Trong nhiều cổ vật, có cả những tượng Bồ tát vào đầu thế kỳ I, những tượng Phật vào thế kỷ V nhưng không còn được hoàn bị. Một tượng Phật còn hoàn bị nhất vào thế kỷ V

vuonnai-Phat

*

Rời Sanath, chuẩn bị ra phi trường để về Delhi, từ đó đổi chuyến bay về Thailand rồi chuyển thêm một chuyến bay nữa để đến Saigon.

Một ngày nào đó, gặp lại kể cho nhau nghe tâm tình những ngày đã qua trên đất Phật, cũng là khoảng đời vui hy hữu.



CHÚ THÍCH

[1] Varanasi (Vāranasi, Benares, Banaras, Benaras, Bối-na-lạp-tư貝那拉斯). Cổ Ấn Độ gọi là Kashi hay Kasi (Ca-hi卡希) có nghĩa là đô thị ánh sáng. Chúng ta quen gọi là Ba-la-nại波羅奈.

Vāranasi là một đô thị Thánh (holy city) nổi tiếng tọa lạc bên dòng sông Hằng, thuộc tiểu bang Uttar Pradesh- Ấn Độ, nay là Ngõa-lạp-nạp-tây瓦臘納西. Tương truyền đã được thành lập 6.000 năm trước công nguyên.

Khoảng thế kỷ thứ tư tới thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, nơi đây là trung tâm học thuật. Thành phố Varanasi nằm trên bờ Tây (tả ngạn) sông Hằng, giữa hai con sông -phía Bắc là sông Varuna và phía nam là sông Assi- đổ vào dòng sông Hằng. Đoạn này sông Hằng chảy hướng từ Nam ra Bắc rồi rẽ hướng Đông Bắc. Người ta tin rằng tắm ở sông Hằng tại Benaras sẽ được cứu độ và hỏa táng tại các bến sông này sẽ lên thẳng thiên giới.

[2] Bài pháp “Kinh Chuyển Pháp Luân” được giảng tại đây. Ngày nay người ta tìm thấy tháp được xây bằng gạch trước thời vua A Dục, thế kỷ thứ ba trước công nguyên. Nơi đây còn tìm thấy một trụ đá của vua A Dục ghi rằng “Tăng đoàn không được chia rẽ…”

Sarnath còn có các tên Mrigadava, Rishipattana, Isipatana. Dịch sang Trung Quốc có các tên Lộc Dã Uyển, Tiên Nhân Luận Xứ仙人論處, Tiên Nhân Trụ Xứ仙人住處, Tiên Nhân Đọa Xứ仙人堕處, Tiên Nhân Lộc Viên仙人鹿園.

Lộc Dã tức Lộc Dã Uyển鹿野苑 tại Sānāth (Sāraṅganātha, Sa-nhĩ-na-tư沙爾那斯) vị trí 25.3811° Bắc 83.0214° Đông. Sarnath cách Varanasi 13km về phía Đông Bắc vùng ngoại ô Vāranasi.

Mrigadava ý là Vườn nai (Lộc Viên鹿园), Isipatana ý là bậc Thánh (Pali: Isi, Sanskrit: Rishi). Địa danh này thường thấy trong kinh tạng Pali. Tương Ưng Bộ I, chương 4. Tăng Chi Bộ I, chương ba…

Sarnath nguyên từ Saranganath, ý là vua nai (Lộc Vương鹿王), lấy theo ý trong truyện tiền thân Phật, Bồ Tát hoá hiện làm nai chúa, vì muốn bảo trọng đàn nai, đem thân mình nạp cho Quốc vương. Quốc vương nhân đây cảm động, lập công viên để bảo vệ đàn nai, và công viên còn đến bây giờ.

Sau thế kỷ XII, Lộc Uyển bị phá hủy nghiêm trọng.

[3] Bài kệ này trích trong bài nghiên cứu về bài pháp đầu tiên của tác giả Chúc Phú (Nguyệt san Giác Ngộ)

Trang 70 của 381« Đầu...102030...686970717273...8090100...Cuối »