Nụ cười bất diệt

Ngày 7 – 19/10/2019 : Linh Thứu Sơn (Gridhrakuta)  Venuvana Bamboo Groove (Trúc Lâm Tinh xá) – Ancient Nalanda University – Bồ Đề Đạo Tràng

Núi Linh Thứu còn gọi là Kỳ-xà-quật. Phật lưu trú tại Vương-xá (Ràjagriha) khoảng 12 năm, lưu trú nơi đỉnh Linh Thứu nhiều và thuyết giảng nhiều kinh tại đây.

Sáng sớm khởi hành lên núi Linh Thứu, đến cổng, nghe nói dốc cao, khó đi. Tìm một cây gậy phòng thân!

Lên lưng chừng núi, trên đường nhìn xuống thung lũng, nhìn núi bao quanh bốn bề. Thầy Huyền Trang ghi rằng:

Ma-kiệt-đà, thành Vương Xá có nhiều thánh tích. Vương Xá ở vị thế hiểm yếu ba bên núi bao bọc, nên khí hậu rất nóng. Có nhiều suối nước nóng.

LinhThuu-ThungLung

Đường dốc quanh co nhưng cũng không khó đi lắm. Gần đến nơi, có một hang đá được cho rằng hang đá của tôn giả Xá-lợi phất. Hang đá bên trong chỉ vừa chỗ để tọa thiền, tránh mưa khi cần. Lúc xưa ắt là không có xi măng, nền thất đá có lẽ gồ ghề chứ không bằng phẳng như bây giờ.

LinhThuu-Xaloiphat

 

Xa xa đã nhìn thấy hương thất trên cao. Ai cũng lên tinh thần.

LinhThuu-HuongThat-xa

Qua khúc quanh đến đến hang đá của tôn giả nào nhỉ. Tuy nhỏ nhưng cũng đủ tránh mưa nắng.

Có một hang đá đường vào cửa hang rất hẹp, được cho là hang đá của ngài Ca Diếp. Nhìn thấy đã như hiển hiện ba chữ đại đầu-đà, ngài Ca-diếp một đời tu khổ hạnh. Trên gương mặt gầy gò đó đã nở một nụ cười bất diệt, mà đến giờ thành ngữ “niêm hoa vi tiếu”[1] được nhắc đến khi nhớ đến ngài.

Vì nhiều động đá nên xem lại hình, chưa rõ nơi nào. (xin bổ túc sau)

LinhThuu-Anan

Đi đến đây, gậy không cần chống nữa mà gác trên vai, chợt nhớ lời người xưa.

Gậy tức lật vác ngang vai,
Đi vào ngàn núi muôn núi.

Đi ngang một đoạn cheo leo, có thanh chắn, nhìn mới thấy tại sao gọi là Linh Thứu, mỏm đá trông giống đầu chim ó.

LinhThuuLinhThuu-momda

 

Đặt chân lên nền đá nhìn hương thất nhỏ. Chỉ một khoảng đất này mà bao nhiêu bộ kinh được thuyết nơi đây.

LinhThuu-HuongThat

Nơi đây đoàn chỉ có thể đảnh lễ và tọa thiền. Đất trời mênh mông, ngàn lời kinh còn vang trong gió, trời đổ mưa lất phất.

LinhThuuHuongThatPhat

Đâu ngờ có ngày trở lại chốn xưa, cành hoa đưa lên, có ai mỉm cười trong gió sớm! Hay chỉ còn trong truyện tích.

Khoảnh sân hẹp lại đông người triều bái, không thể ở lâu, cần trở xuống núi còn nhiều nơi cần đến. Có gì để cảm nhận sau, cứ thế một đời trôi trôi qua, mọi điều để chờ ngày sau ngày sau nữa…

Gặp những đứa bé bên đường chấp tay niệm Phật, cho dù với lý do gì, cũng là bản kinh Pháp Hoa được thuyết nơi đây, có nói rằng,

Hoặc người tâm tán loạn, Đi vào trong tháp Phật, Niệm Nam Mô Phật, Đều đã thành Phật đạo.”
 “Cho đến trẻ con chơi đùa, nhóm cát làm tháp Phật đều đã thành Phật đạo

LinhThuu-duatrelinhthuu-phaphoa1 LinhThuu-PhapHoa2

*

Xuống núi, hồi nhập ta bà!

Trên đường ghé vào thăm nơi giam vua Bibimsara (Tần-tỳ-sa-la), đứng nơi đây nhìn lên Linh Thứu thấy đức Phật.  Truyện kể nhiều tình tiết thương tâm, đến nỗi không muốn nhắc lại, nhớ lại. Nên thôi không kể lại khi vào thăm nơi mà mỗi ngày xa xưa vua Bibimsara nhìn thấy Phật.

BinhSaVuong BinhSaVuong-Dat

Đứng nơi khoảnh đất này, nhìn về ngọn núi Linh Thứu xa xa kia. Bâng khuâng muôn nỗi. Đoàn cũng đang nhìn về phía Phật, chỉ thấy mây trắng và núi xa trùng trùng. Mỗi ngày nhìn thấy Phật! Thật là một lời tuyệt vời, cho một kiếp người!

*

Phía bắc cổng thành có vườn trúc Ca-lan-đà (Karandaka) là đẹp nhất thành Vương Xá, trong Đại Đường Tây Vự Ký ghi đây là nơi của trưởng giả Ca-la-đà, sau khi gặp Phật, phát tâm dâng cúng để làm Tinh xá.

Tinh xá Trúc lâm (Venuvana-vihāra) là Tinh xá đầu tiên hoằng pháp. Nơi đây thu nhận hai vị đại đệ tử là Xá-lợi-phất (Sāriputta[2]) và Mục-kiền-liên (Moggallāna).

Thầy Huyền Trang khi đến đây ghi lại rằng:

– Khi đức Phật còn là Thái tử bắt đầu đi tìm đạo, đầu tiên đi ngang thành này, vua mời ở lại, chia nửa nước để cùng nhau trị vì. Thái tử từ chối, vua xin sau khi đắc đạo hãy về thăm. Sau này Đức Phật thường ghé thành này.

– Nhiều bài kinh mở đầu bằng địa điểm thuyết pháp nơi thành Vương Xá.

– Ngự y của vua là Jivaka dâng cúng một vườn xoài, hiện chỉ còn những hành lang hẹp.

– Rājagṛha (Vương Xá) là nơi Phật thu nhận hai người đệ tử bậc nhất là Trí tuệ bậc nhất Śāriputra (Xá-lợi-phất舍利弗) và Thần thông bậc nhất Maudgalyāyana (Mục-kiền-liên目犍連).

– Trúc Lâm Tinh xá竹林精舍 (Veṇuvana-vihāra), còn gọi là Ca-lan-đà Trúc Viên迦蘭陀竹園 do trưởng giả Ca-lan-đà (Kalandaka) cúng rừng trúc, vua Tần-bà-sa-la xây tự viện. Đây là một trong hai tự viện đầu tiên của chúng tăng.

Nơi Hoa Thị Thành, vua A Dục bảo trợ kết tập kinh điển lần thứ III.  Huyền Trang lưu lại 7 ngày để chiêm bái các thánh địa. 

Thời gian này Tinh xá Trúc Lâm được sửa chữa cho thích hợp với tuyến đường hành hương đang phát triển. Nghĩ lại, hiện nay ảnh hưởng trước mắt là giúp dân quanh đây có công ăn việc làm. Đạo pháp thì cần thời gian và người hướng dẫn để dần nhận ra. Ít nhất trên đường hành hương, mọi người có dịp nghe kể lại cuộc đời đức Thế Tôn.

TrucLam-1 TrucLam-bang

Thầy Huyền Trang ghi:

Từ vườn Trúc Lâm về hướng Tây nam năm sáu trăm dặm, nơi triền Bắc dãy núi có ngôi thất đá rộng lớn. Tôn giả Ca-diệp từng hội họp các vị đại A-la-hán nơi đây để kết tập kinh điển.

Gần Trúc Lâm là hang Thất Diệp, nơi kết tập kinh điển lần đầu. Núi cao và trưa nắng! Không đủ thời giờ để lên đến nơi kết tập và trở xuống!

Như thị ngã văn… Như thị ngã văn… Như thị ngã văn…

Tâm có đôi chút tiếc nuối, giá mà biết vậy, thì từ núi Linh Thứu sẽ đến thẳng nơi kết tập… Giá mà, một chữ giá mà… được thốt lên có nghĩa đời sẽ mãi tiếc nuối. Đó là chữ không nên thốt lên!

Trở về nghỉ ngơi, chuẩn bị buổi chiều đi thăm học viện cổ xưa nalada [3].

Vào ngày thứ 14 HuyềnTrang được rước về chùa Nalanda, và được tiếp đãi trọng hậu. Ở chùa này Ngài đến thăm ngài Giới Hiền戒賢 (Śīlabhadra). Đây là năm 631. Như lời ngài Huyền Trang thuật, Luận sư Giới Hiền đã sống 106 tuổi để chờ Huyền Trang đến truyền dạy Duy thức. Khi Huyền Trang đến, chùa này đã 700 năm nhưng giới luật rất nghiêm minh và nề nếp, tăng chúng đông khoảng mười ngàn người, học theo Đại thừa.

Biểu đồ truyền thừa Tông Duy Thức:
Vô Trước無著 (Asaṅga) → ThếThân世親 (Vasubandhu) →  Trần Na陳那 (Dignāga) →  Hộ Pháp護法 (Dharmapāla) → Giới Hiền戒賢 (Śīlabhadra).

Nơi đây Huyền Trang học Du Già Luận瑜伽論,  Thuận Chánh Lý順正理, Hiển Dương Luận Pháp顯揚論法, có những bộ luận Ngài đã học tại Ca-thấp-di-la nay hiểu rõ thêm và giải những nghi vấn từ trước. Ngài học thêm Bà La Môn thư婆羅門書 và Phạn thư印度梵書.

Huyền Trang ở lại Na-lan-đà 5 năm.

Nalanda-bang

Vào trong những di chỉ được khai quật và tôn tạo lại nơi nền cũ. Xem bản đồ định vị.

nalanda-bando

Tháp Xá-lợi-phất tại Nalanda.

Nalanda-thapXaloiphat

Khuôn viên trường rất rộng, phòng ốc nhiều, lúc đó đến 10 ngàn tăng chúng và cư sĩ trú ngụ nơi đây. Thật là một thời phồn vinh, rực rỡ. Nay chỉ còn di tích được khai quật cũng là  quá hay rồi.

nalanda-2 nalanda-3

Đối diện trường nalanda là Nalanda Museum được xây dựng vào năm 1917 để lưu giữ những vật khai quật được từ thế kỷ thứ III trước công nguyên.

Vào xem không được chụp hình, nhưng có được tờ giới thiệu Museum này, scan lại , vài hình tượng trưng chứ trong Museum lưu giữ rất nhiều.

Tượng Phật đứng thế kỷ thứ IX-thứ X.

nalanda-museum-1 nalanda-museum-2 nalanda-museum-3

Lúc về đã 5 giờ chiều, nghỉ ngơi để tối thăm viếng Bồ Đề Đạo Tràng.



Ghi chú

[1] sử Thiền Tông, công án “Niêm hoa vi tiếu 拈華微笑” trên ngọn Linh Sơn này. (Nơi núi Linh Thứu, Thế tôn thăng tòa, đưa cành hoa lên, không nói. Đại chúng không hiểu ý chỉ, riêng có Ma-ha ca-diếp mỉm cười. Thế Tôn bảo với đại chúng rằng: Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, chẳng lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, phó chúc cho Ma-ha Ca-diếp).

[2] Nếu có dịp nghe bản Tâm Kinh bằng tiếng Phạn, sẽ nghe i-ha sa-ri-pu-ta (này xá lợi phất)…

[3] Nālandā (Na-lan-đà那爛陀) là trường Đại học cổ xưa của Ấn Độ, cách Đông nam Patna 70km, cách phía  Bắc của Vương Xá 11km.

Nalanda xây cất trong thế kỷ thứ II. Long Thọ xuất hiện trong thế kỷ này, tu học tại đây, sau làm viện trưởng nơi này. Ngài Long Thọ là tổ Thiền tông thứ 14. Đây cũng là nơi truyền bá của hai trường phái Trung Quán Tông và Duy Thức Tông.

Nālānda theo tiếng Sanskrit có nghĩa trao truyền kiến thức. Cuối thế kỷ XII, Nalanda bị tàn phá chung số phận với Ma-kiệt-đà, và mới khôi phục lại sau này. Nhờ vào sự khai quật của Alexander Cunningham, xác định được vị trí 25.1357660Bắc 85.4449230Đông.

 


< Trở về mục lục

2 thoughts on “Nụ cười bất diệt

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *