Bạn đọc đi đọc lại câu trên tờ lịch trong ngày, nói: Bậc thầy nào cũng nhắc học trò mình như thế, nhưng sao những câu dễ hiểu thế này, lại không dính dáng gì đến việc hàng ngày của mình.
Bạn ngừng một chút, rồi nói tiếp: Hay là nói thế vì biết học trò mình luôn đi quá xa cái vừa nghe vừa thấy chăng!
Có thể là thế này. Nếu đọc qua hay nghe qua mà hiểu liền, thì sự hiểu liền đó không hẳn giúp gì được. Trải qua một thời gian, đột nhiên cảm giác mình không hiểu gì hết (chẳng hạn “back to first principles” là ở đâu!). Từ đó tâm sẽ tự hỏi, phân vân mà chính mình cũng không biết sự thầm thầm nhắc nhắc đó. Nếu đọc hay nghe nói, mà không hiểu ý lời đó, trong tâm cũng thầm thầm nhắc nhắc.
Rồi tình cờ gặp cảnh nào đó, nghe lời gì đó, bất chợt ngay đó nhận ra. Thì mới biết khi tự vẽ thêm nhiều chi tiết vào chuyện trước mắt, hình như giống câu thành ngữ nói “vẽ rắn thêm chân”, mọi chuyện vốn suôn sẻ bình an, nhưng chính mình đã làm tâm rối ren lên bởi những suy diễn rồi.
Khi thực sự nhận ra vậy, mọi sự mới gọi là bắt đầu có ảnh hưởng chút gì vào đời sống.
Bạn hỏi: Ý bạn là những điều mình học, cần thời gian mới có thể hiểu nên thế nào để ứng dụng.
Không hẳn có kết luận quyết đoán như vậy.