Còn chờ gặp ai

Ngày 5 – 17/10/2019 : Kushinagar (Câu Thi Na)

Từ Nepal về đến Kushinagar[1] trời đã tối, qua biên giới bao giờ cũng lâu. Nghỉ ngơi, để một ngày mai, ngày dài.


Sáng còn mờ sương đã đến nơi Parinirvana temple (chùa Niết Bàn), nơi Phật nhập niết-bàn.

NietBan-bang

Nhìn tòa nhà chưa biết là gì, không biết trong trí tưởng hình ảnh Phật niết bàn ở đâu nhỉ! Nên nhìn mà không biết là đang đi đâu.

NietBan-salatrongsuongParinirvana-Stupa

Vào bên trong, mới biết tượng Phật Niết-bàn nơi đây.

Thầy Huyền Trang đến đây kể lại, xin ghi tóm tắt:

Từ chùa Sa Di沙彌 đi hướng Đông nam qua một khu rừng lớn, đi 100 dặm qua khỏi rừng đến Kusinagara (Câu-thi-na-yết-la拘尸那揭羅). Thành đã đổ nát, làng xóm tiêu điều, dân cư thưa thớt. Phía Tây thành có tinh xá xây bằng gạch bên trong có tượng Như Lai Niết-bàn. Gần đó có nhiều di tích như chỗ ở của Thuần Đà純陀, nơi trà tì Phật…

Tây Bắc vài dặm qua sông Ajitavatī (A-thị-đa-phạt-để阿恃多伐底)[2], dịch ý là Vô Thắng無勝 và đến rừng Sala bên bờ sông. Loại cây này theo Đại Đường Tây Vực Ký thì cây Sala娑羅 vỏ xanh trắng, lá lóng lánh và trơn dịu. Có bốn cây thật cao, nơi đây Phật nhập Niết-bàn.

 Vì tượng Niết-bàn trong khung rào sắt nên không chụp rõ ràng được, sử dụng hình ở trang mr.wikipedia. (स्तूपातील निद्रावस्थेतील बुद्ध मूर्ती)

NietBan-Mahaparinirvana

Lời Phật dạy: Thôi đủ rồi, này Anada, đừng phiền muộn khóc than. Ta đã chẳng thường bảo ông rằng, chúng ta phải chia lìa mọi vật thân thiết, khả ái đối với chúng ta, chúng ta phải từ giã chúng, vì vật gì được sanh khởi, được thành hình được tạo tác tất phải chịu biến hoại. Không thể nào có một vật như vậy lại không tiêu diệt…

Ngài đã nhắc nhở: “Hãy ghi nhớ rằng tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tinh tấn, chớ buông lung.”

Bản kinh Di Giáo là những lời cuối cùng đức Phật chỉ dạy tứ chúng.

Hòa thượng Minh Châu khi đến đây thì thốt lên rằng:

Càng về phía Bắc trời càng lạnh. Nắng sớm cuối thu không làm tan nổi bầu trời sương dày đặc. Bóng hai hàng cây bên đường bao phủ lấy chúng tôi… Mọi người đều im lặng và ra chiều suy nghĩ. Riêng chúng tôi, nỗi buồn thắm thiết của người con mới được phép trở về thăm mộ cha sau khi nghe tin cha mất từ lâu, đeo nặng bên lòng từ khi cất bước lên xe…
                                                                                                  (Đường Về Xứ Phật – Thích Minh Châu)

NietBan-dienPhat

Đoàn chụp được nét mặt Phật, bình thản.

Lòng bùi ngùi. Nhìn hai bàn chân Đức Phật, đưa ra để chờ ngài Ca-diếp về. Như đang chờ đoàn đến vậy. Có lẽ lúc đó đoàn chưa biết chuyện này, nên không rơi nước mắt! Nếu biết Đức Phật đưa hai bàn chân ra đang chờ mình, chắc là không thốt nên lời. Mọi người vì bận rộn tụng niệm, dâng y cúng dường, nên không kịp nhận ra điều đang trước mắt.

nietban-light

Chỉ còn biết chút lòng thành dâng lên.

Ra ngoài, mặt trời đã bắt đầu lên, nhưng sương vẫn chưa tan hết.

NietBan--phiasau

Chung quanh là những nền gạch, có thể được phục hồi lại để biểu trưng trơ gan cùng tuế nguyệt.

Nietban-nengach

Cây sala ngày xưa có lẽ không trụ nổi với hai ngàn năm, bây giờ có những cây con nối tiếp, đánh dấu Phật nhập diệt giữa hai cây sa la.

NietBan-sala


Nơi trà tỳ gọi là Tháp Hỏa Táng Makutabandhana, không xa Parinirvana temple, là một tháp đá để tưởng niệm.

Tháp Trà tỳ  có chiều cao hơn 8 mét, đường kính chân tháp khoảng 34 m. Theo sử liệu,  tháp được bộ tộc Malla xây ngay trên đống tro than trà tỳ, nên có màu vàng đen, và lâu ngày bị lún xuống, bị xói mòn cho nên hình dạng không còn tròn như ngày xưa. Xung quanh bảo tháp Trà tỳ có nhiều tháp nhỏ và nền móng các tịnh xá, tu viện được xây dựng từ thế kỉ thứ I trở về sau. Toàn bộ khu vực này được trồng những thảm cỏ xanh và cây cọ.

nietban-traty

nietban-traty

Đi thiền hành quanh. Chưa định hình mình đang ở đâu, tâm tình luôn hướng tới phía trước cho kịp giờ giấc. Nhưng vẫn nhớ dâng lên Phật những đóa hoa tinh khiết như tấm lòng kính nhớ về ngài.

Traty-cayco

Hình ảnh tọa thiền, may có người ghi lại, nếu không chưa biết mình đã đi đâu trong chốn hồng trần này. Nghe hai chữ trà tỳ, đã khó mà yên vui, một nơi chốn xác định rằng mọi hình hài tan biến ra tro bụi.

Nếu tình cờ nhìn thấy xá-lợi Phật, liệu có tin rằng từ nơi đống củi lửa vô tri này, xác thân cũng vô tri này, còn để lại chút gì không nhỉ.


đền Matha Kuar. Trong đền có một tượng Phật rất lớn bằng đá xanh, cao hơn 3m. Lúc trước nơi đây ngập nước, hiện nay ổn định nhiều. Tượng Phật này hơn ngàn năm, ngày xưa bằng đá xanh, nhưng dần dà được phủ vàng, như ngày hôm nay.

Matha-Kuar-1

Có một nơi tương truyền rằng có để Xá-lợi Phật của bộ tộc Malla.

Xaloi-malla Xaloi-Malla-BoDe

Hiện nay xá lợi không để nơi đây nữa. Chỉ còn cây bồ đề làm chứng nhân. Thời gian vô tình làm sao, dấu vết lần nhạt nhòa, chỉ còn những bia đá do các nhà khảo cổ ghi lại.

Trong ngôi nhà nhỏ, có một tượng Phật.

xaloi-malla--tuongPhat xaloi-malla--tuongPhat1

Vài nhánh hoa dâng ngài, Phật hiện diện khắp nơi. Mỗi góc cạnh mang một vẻ khác nhau, nhưng đều là Phật. Nhân nhìn tượng Phật mà nhớ lại đời mình.


 

Phật Niết bàn là nhắc đến bữa cơm cuối cùng, nhà Thuần Đà cũng không xa đây lắm. Thấy trưa nắng cũng hơi ngần ngừ, nhưng một người hy hữu như vậy, cũng nên đến thăm.

Thiền sư Thanh Nguyên hiệu Minh Chánh thế kỷ thứ 19 tại Việt Nam có làm bài kệ tán:

Hay lắm Thuần Đà, hay lắm Thuần Đà!
Không nói ngắn, chẳng nói dài,
Ngắn, dài, tốt, xấu thảy đều sai.
Tìm hay lại hóa người chê vụng,
Bắn sẻ ai dè sói chực ngay.
Công danh cái thế màn sương sớm,
Phú quý kinh nhân giấc mộng dài.
Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật,
Công lao uổng phí một đời ai.

ThuanDa-nen

Chỉ là nền đá, nhưng ngày xưa trên đường đi. Phật đã đi ngang đây, thọ nhân bữa ăn cuối cùng.


Ngày hôm nay đi rất nhiều nơi, đến chiều tối còn nhiều địa điểm, xin hẹn bài tiếp.

Ghi chú

1] Kusinagar (Kushinagar, Kuśinagara, Câu-thi-na-yết-la 拘尸那揭羅) là đô thành của nước Malla (Mạt-la末羅), thuộc Trung Ấn Độ, cũng là một trong mười sáu nước thời Phật tại thế. Nay phần lớn học giả cho rằng Kasia (Ca-tư-a迦斯阿) là đất cũ của Câu-thi-na, nay thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ.

[2] Sông A-thị-đa-phạt-để lược gọi là sông Bạt-đề 跋提, Đức Thích-ca nhập Niết-bàn phía Tây sông, nên sông này nổi danh. Nay là sông Little Gandak.


< Trở về mục lục

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *