Chuyến bay hạ cánh xuống phi trường Quốc Tế Thành Đô. Chưa ra khỏi cổng phi trường đã thấy gấu trúc Panda chào đón.
Ra khỏi phi trường thì cũng có tượng gấu trúc chào đón.
Nghe hướng dẫn viên nói, nơi đây không có tiệm bán đồ điện tử. Vì muốn bảo vệ môi trường! Trước kia bầu trời luôn nặng nề, vì khói xe. Bây giờ chỉ thấy xe điện để tránh nhiễm ô không khí. Đường phố cũng không gì khác lạ lắm. Nhưng ấn tượng bởi sự bảo vệ triệt để môi trường!
Bầu không khí hít thở mỗi ngày, nếu ít được quan tâm cũng là điều đáng ngạc nhiên. Ngày trước ít khi cần đến khăn bịt mũi, bây giờ ra đường khó nhận ra nhau! Có người bảo, đang đi tham quan, không nên nghĩ ngợi nhiều, mất vui!
Đến khách sạn, cũng có một con gấu trúc trên tường, dễ thương thân thiện.
Xin điểm sơ qua miền đất Tứ Xuyên này.
Thành Phù Dung là biệt danh của Thành Đô, Tứ Xuyên. Thời Hậu Thục, vua Thục là Mạnh Sưởng 孟昶 cho trồng cây “mộc phù dung木芙蓉” khắp cung điện nên thành có tên là thành Phù Dung, tên tắt là “Dung”.
Nơi đây các thi nhân cũng thường nói về đất Thục, mời thưởng lãm một bài của Trương Duyệt thời sơ Đường:
蜀道後期 Thục đạo hậu Kỳ (Trên đường Thục)
客心爭日月, Khách tâm tranh nhật nguyệt,
來往預期程。 Lai vãng dự kỳ trình.
秋風不相待, Thu phong bất tương đãi,
先至洛陽城。Tiên chí Lạc Dương thành.
Lòng khách tranh đua với mặt trời mặt trăng,
Đến đi đều có dự định hành trình trước.
Gió thu sao chẳng đợi nhau,
Đã đến thành Lạc Dương trước rồi.
Bài này Trần Trọng San dịch:
Lòng cùng nhật nguyệt đua nhau,
Đi về thường hẹn trước sau hành trình.
Gió thu sao chẳng đợi mình,
Đã mau đi trước đến thành Lạc Dương.
Thành Đô còn có tên “Cẩm thành錦城” vì thời Hán nơi đây phồn vinh, nghề dệt lụa rất phát đạt.
成都曲 Thành Đô khúc (Khúc hát Thành Đô)
錦江近西煙水綠, Cẩm Giang cận tây yên thuỷ lục,
新雨山頭荔枝熟。 Tân vũ sơn đầu lệ chi thục.
萬里橋邊多酒家, Vạn lý kiều biên đa tửu gia,
遊人愛向誰家宿。 Du nhân ái hướng thuỳ gia túc.
Phía tây Cẩm Giang xanh màu khói
Mưa qua đỉnh núi vải trĩu hồng
Bao quán xá bên cầu Vạn Lý
Du khách biết ghé quán nào đây!
Qua bài thơ biết ở Cẩm thành có nhiều trái vải!
Trong thời Tam Quốc, nhà Thục Hán (221-263) do Lưu Bị thành lập đặt đô ở Thành Đô. Nơi đây thấy nhiều tượng của Gia Cát Lượng, và những tích truyện sử thời Tam Quốc của Lưu Bị. Nếu có đọc qua “Tam Quốc Chí” thì những địa danh nơi đây ắt hẳn quen thuộc. Nơi phố xá, các gian hàng sách vở và những đồ lưu niệm khắc lại rất nhiều những hình ảnh này.
tượng Gia Cát Lượng (khổng Minh), phù điêu về Khổng Minh, Lưu Bị… tại khách sạn!
Buổi tối dạo phố cổ.
Phố cổ buổi tối đèn lung linh như phố cổ Hội An, có thể mua ít đồ lưu niệm tại đây!
Phía bên trái phố cổ là miếu Hán Chiêu Liệt Đế (Lưu Bị).
Buổi tối miếu đóng cửa nên không vào tham quan được.
Trước kia, thời Tam quốc, địa danh Thành Đô là Ích Châu, các thiền sư từ trước đến khoảng đời thứ 8 sau Lục Tổ, trong ngữ lục ghi là Ích Châu.
Ích Châu Tây Mục Hòa Thượng 益州西睦和尚
Sư có lúc thình lình gọi thị giả, thị giả dạ.
Sư bảo: Đêm khuya yên lặng, cùng y thương lượng.
Ích Châu Sùng Chân Thiền Sư益州崇真禪師
Tăng hỏi : Thế nào là thiền?
Sư bảo: Đầm trong câu ánh trăng.
Trong thiền sử có câu: Trâu Hoài Châu ăn lúa, ngựa Ích Châu no nóc
(Hoài Châu ngưu khiết hòa, Ích Châu mã phục trướng) (懷州牛喫禾。益州馬腹脹)
(Xin lưu ý là Hoài Châu ở Thẩm Dương, tỉnh Hà Nam. Ích Châu, tỉnh Tứ Xuyên. Nếu thắc mắc vì sao trâu ăn lúa mà ngựa no thì trong Bích Nham Lục, ngài Viên Ngộ có nói “Cho ông nghi ba mươi năm”)
Hai địa danh Thành Đô và Ích Châu thay đổi nhau tùy triều đại, mãi đến năm 1118 mới có tên Thành Đô cho đến ngày nay.
*Sáng hôm sau bắt đầu tham quan các thắng cảnh.
Nhắc đến Thành Đô, không thể không nhớ đến Pháp sư Huyền Trang.
Một đoạn truyện sử viết thế này “Cuối thời Tùy, đầu thời Đường, Huyền Trang cùng huynh trưởng đến Thành Đô, trụ tại chùa Không Huệ (城西空慧寺) ở Thành Tây, nơi nhiều cao tăng vân tập”.
Trong quyển “Huyền Trang – nhà chiêm bái và học giả” (nguyên tác bằng Anh ngữ của Hòa thượng Minh Châu), Ni trưởng Trí Hải đã dịch: “Tại Thành đô Ngài học bộ Mahayanasamgraha (Nhiếp đại thừa) và bộ Abhidhammasamuccaya (Tỳ-đàm-tập-yếu) với Pháp sư Cơ và Tiềm. Ngài cũng học bộ Abhidharmajnanaprasthanasastra (A-tỳ-đàm phát trí luận) của Ngài Katyayana (Ca-chiên-diên) với Chấn Pháp sư. Ngài học rất chuyên cần không lúc nào lãng phí thời gian và chỉ trong vòng hai ba năm đã thấu hiểu giáo lý của nhiều bộ phái.
Khi đến 20 tuổi, Ngài thọ giới tại Thành Đô, an cư kiết hạ và học luật tạng, Chỉ học qua một lần Ngài thấu hiểu các giới điều. Ngài học xong các kinh tạng và các bộ sớ giải ở nước Thục.”
Như vậy biết rằng thời đó Thành Đô là trung tâm Phật học.
Xem bản đồ, thấy chùa Chiêu Giác phía Đông Thành Đô và chùa Không Huệ phía Tây. Rất tiếc lúc đó chưa nghĩ sẽ đến chùa Không Huệ!
1/ Đệ Nhất Thiền Lâm- Chiêu Giác Tự (昭覺寺)
Chùa được kiến lập rất lâu, từ thời nhà Đường niên hiệu Trinh Quán (627-649), đời Đường Tuyên Tông mới ban sắc hiệu “Chiêu Giác”. Mãi đến khi thiền sư Phật Quả Khắc Cần (được ban hiệu là Viên Ngộ) trụ trì chùa này, khai đường thuyết pháp, chùa được danh xưng “Tứ Xuyên đệ nhất tùng lâm”. Khi thiền sư viên tịch (1135), mộ táng tại chùa, hiện nay vẫn còn.
Chùa bị hư hoại bởi nhiều lý do và được trùng tu gần đây, cảnh trí rất hùng vĩ, cây xanh và các ngôi bảo điện…
Khi đoàn đến, được thầy phó trụ trì tiếp đón và đưa tham quan khắp chùa.
Ngôi mộ thiền sư Viên Ngộ được trùng tu vào đời nhà Thanh, đâu ngờ có ngày được đến nơi đây.
Các bạn để ý trên tay tượng thiền sư Viên Ngộ Khắc Cần là quyển Bích Nham Lục. Trải qua ngàn năm tập sách Bích Nham Lục vẫn còn vang danh nơi chốn thiền lâm. Bộ sách đó nói gì mà xem ra được lưu tâm như vậy – nhiều thân hữu hỏi thế. (Các bạn bấm vào đây để xem lời giới thiệu về tập sách này).
Nơi Chùa Chiêu Giác, sau khi Khắc Cần Viên Ngộ thị tịch, đệ tử là Triệt Am Đạo Nguyên kế thừa. Xem một đoạn ngữ lục.
Sư liền triệt ngộ. Viên Ngộ dùng nắm tay đánh sư, sư chỉ nắm tay cười lớn.
Ngộ hỏi: Ông thấy cái gì mà lại như thế?
Sư thưa: Độc thủ chưa đền đáp, muôn kiếp không quên.
Viên Ngộ trở về Chiêu Giác, bảo Sư làm thủ chúng, Viên Ngộ sắp thị tịch, để Sư kế thừa pháp tịch. □
Nơi đây còn một đệ tử của Khắc Cần Viên Ngộ là Thủ tọa Đạo Tổ, đoạn ngữ lục khá kỳ vĩ:
Sư ban đầu yết kiến Viên Ngộ, ngay dưới lời “tức tâm là Phật” liền tỉnh ngộ. Thời gian sau, Viên Ngộ bảo phân tòa.
Một hôm cho chúng vào thất, cho hơn hai mươi người vào.
Sư chợt hỏi: Sanh tử đến làm sao tránh.
Tăng không đáp được.
Sư ném cây phất tử, an nhiên thị tịch. Chúng đều ngạc nhiên, gấp báo cho Viên Ngộ.
Viên Ngộ đến liền gọi: Thủ tọa Tổ.
Sư mở mắt nhìn.
Viên Ngộ bảo: Tinh thần phấn khởi vượt qua cửa ải thiền.
Sư gật đầu, lại như thế thị tịch.□
Sau Viên Ngộ một đời, tại chùa Chiêu Giác có thiền sư Chiêu Giác Biện
Thượng đường: Mảy may sai khác, cách xa như trời với đất. Người cách sông hát lời chim chá cô, nhận lầm cái kèn lá mười tám phách.
Muốn biết chăng? Muốn được hiện tiền, chớ còn thuận nghịch.
Khói sóng Ngũ Hồ có ai tranh?
Tự là chẳng về, về liền được. □
(Xin xem tiếp buổi chiều đi Lạc Sơn)