Tổng quát về miền đất cao

NganDam-logo small

Tham quan Tây Tạng, điểm nổi bật là những đỉnh núi cao chót vót, với độ cao trên 4000m, đặc biệt nhất là ngọn kailash 6.638 m, trong  dãy Gangdise, cách Lhasa một ngàn cây số. Nhưng ngọn núi biệt danh là núi Thiêng này ít người có nhân duyên đến được.

Ở nước mình thì có ngọn Fansipan cao nhất thuộc dãy Hoàng Liên Sơn với độ cao 3143m, tương đương với độ cao núi Nga My tại Thành Đô (Tứ Xuyên),.

Bên cạnh núi cao, hồ thiêng là những ngôi chùa, có nhiều chuyện kể khác nhau với cảm nhận riêng của người kể.

Trong sổ tay xin ghi một cách tổng quát về một nơi chốn mà với hầu hết chúng ta, chỉ như một chuyện thần thoại.

1/ Lịch sử của một Tây Tạng thống nhất bắt đầu dưới triều đại của Songtsen Gampo Tùng Tán Cán Bố 松赞干布 (617-649), ông thống nhất các lãnh thổ ở thung lũng sông Yarlung và lập nên Đế quốc Thổ Phồn.

– Năm 623 công chúa Bhrikuti (Ba-lợi-khố-cơ波利庫姬、毗俱胝) nước Nepal vào về làm vương hậu của triều đại này đem theo tượng Phật Bất Động Như Lai Mitrugpa (Đức Phật Bất Động – A Súc Bệ ( 阿閦如來)– Akshobya Buddha)
– Potala (Bố-đạt-lạp布达拉) được xây dựng vào năm 637. Đến đời Đạt-lai lạt-ma thứ năm 1645 mới chỉnh sửa quy mô hoàng tráng cao 170m như hiện nay.

– Năm 641 Công chúa Văn Thành (文成) của triều Đường về làm Vương hậu thứ hai của Tùng Tán Cán Bố, đem theo một bức tượng thái tử Tất-đạt-đa, Nhờ các tượng Phật do hai vị Vương hậu đem đến Tây Tạng đã xây dựng nền tảng ban đầu của đạo Phật.

[Nếu tìm được xin bổ túc hình này sau, vì người viết cũng muốn chiêm ngưỡng tượng Jowo Rinpoche của Văn thành công chúa đem từ Trung quốc qua Tây tạng.]

– Năm 647, Tsulag Jokang ཇོ་ཁང (Đại Chiêu Tự大昭寺) được xây dựng để tôn trí bức tượng Bất Động Như Lai (Mitrugpa). Sau đó xây dựng chùa Ramoche (Tiểu Chiêu Tự小昭寺), – chùa nằm phía Bắc chùa Đại Chiêu- để tôn trí tượng Jowo Rinpoche.

– Khoảng năm 710 tượng Jowo Rinpoche được đưa về chùa Jokhang.

Sau này trong những chương trình tham quan lhasa, không thấy có địa điểm chùa Tiểu Chiêu, có lẽ vì bức tượng đã đưa về chùa Đại Chiêu.

2/ Năm 710 vua Đường Duệ Tông gả công chúa Kim Thành (金成) cho vua Tây Tạng đời thứ 35 là Khí-lệ-xúc-tán 棄隷蹜贊 [704-755] (Khri-lde-gtsug-brtsan) (còn đọc là: xích-đức-tổ-tán德祖贊Me Agtsom). Vị công chúa này lại mang đến Tây Tạng rất nhiều kinh thư và sách vở của Trung Hoa. Vương hậu Kim Thành là mẹ của vua Ngật-lật-song Đề-tán sau này.

3/ Tôn giả Kamalaśīla (Liên Hoa Giới-蓮華戒, 713-763) với tác phẩm Bhāvanākrama (Quảng thích Bồ-đề tâm luận-廣釋菩提心論) là nền tảng thực hành Thiền định ở Tây Tạng.  Liên Hoa Giới theo sư phụ là Tịch Hộ sang Tây Tạng. theo lời thỉnh cầu của vua Trisong Detsen (Ngật-lật-song Đề-tán-吃栗雙提贊742-798), truyền dòng Trung Quán-Duy Thức.

Tịch Hộ (寂護, śāntarakṣita), 750-802, là một Cao tăng Ấn Độ thuộc Trung quán tông, người truyền bá Phật pháp sang Tây Tạng thời kì đầu. 

Nhưng lúc đó nhiều thiên tai xảy ra, nên quần thần xin mời Liên Hoa Sinh đến. Liên Hoa Sinh đến Tây Tạng với tư cách của một người chinh phục tà ma, gây ấn tượng lớn và thuyết phục được niềm tin của người xứ này.

Sau đó Tịch Hộ đến Tây Tạng lần nữa và cùng Liên Hoa Sinh xây dựng tu viện Samye (Tang-diên桑鳶寺gọi là Tang-da tự 桑耶寺),  phía Đông nam thủ đô Lhasa, tu viện tọa lạc tại chân núi Haibu Rishen, phía bắc sông Yarlung Tsangpo, tỉnh Shannan.

[Xin đừng lầm Liên Hoa Giới (Kamalaśīla) với Liên hoa Sinh (Padma Sambhava) 
Tu viện Samye là nơi xảy ra cuộc tranh luận về Phật giáo năm 792-794 giữa đại sư Liên Hoa Giới đại thừa Phật Giáo và Ma-ha-diễn đại diện thiền tông Trung quốc. Sau đó Ma-ha-diễn đành trở về Trung Quốc, thiền tông vắng bóng tại đây.]

4/ Đại sư Liên Hoa Sinh (Padma Sambhava) được vua Ngật-lật-song Đề-tán (吃栗雙提贊 [755-797]) thỉnh từ xứ Udyàna (Ô-trượng-na), miền bắc Ấn Độ. Khi nhận lời mời đến Tây Tạng, Đại sư còn đem theo 25 vị đệ tử rất nổi tiếng có tài thần thông biến hóa, hàng phục ma chướng tà đạo. Tây Tạng có ấn tượng với Liên Hoa Sinh phần lớn là nhờ vào việc Ngài thực hiện những phép lạ.

Đại sư Liên Hoa Sinh sáng lập tông phái Ninh Mã (寧瑪Nyingma) sắc phục mũ đỏ, nên còn gọi là Hồng mạo giáo, Cổ phái hay cựu phái. Ngài là tác giả của cuốn “Tử Thư”, xây dựng tu viện Tang Diên (Samye).

5/ Năm 1041 có Đại sư Atisha (A-đề-sa 阿提沙[982-1054] tên Tạng là Phul-byun) ở miền bắc Ấn Độ nhận lời mời của vua Yeshe-O đến Tây Tạng. Đại sư lấy triết học Tánh khôngDuy thức làm tư tưởng cho Phật giáo Tây Tạng. Đại sư là người khai tổ phái Ca Đang 迦当 (còn gọi 甘丹派、噶当派、教敕派。)

Tát-ca phái ( 薩迦派, sakyapa ས་སྐྱ་པ་) mang tên ngôi chùa Tát-ca. Theo lời khải thị của A-đề-sa 阿提沙, chùa Tát-ca được xây dựng năm 1073 và các cao tăng chùa này tập trung truyền pháp Kim cương thừa .

6/ Tông-khách-ba 宗喀巴 (btsong kha pa བཙོང་ཁ་པ་) (1357-1419) , Sư là người Tây tạng, thành lập Cách-lỗ phái, thành lập các tu viện Phật giáo gần Lhasa như Ganden (Cam Đan), Drepung (Triết Bạng), và Sera (Sắc Lạp).
Cách-lỗ phái (格魯派, gelugpa དགེ་ལུགས་པ་), nguyên nghĩa “tông của những hiền nhân“, vì các vị tăng phái này mang mũ màu vàng nên được gọi là Hoàng mạo phái(黃帽派).
Tông Cách-lỗ nhấn mạnh đến Luật tạng. Về  kinh điển, học Trung quán và ngành Nhân minh, về thiền định học kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa và A-tì-đạt-ma. □


< Trở về mục lục

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *