Lời thưa trước cho bài viết Ngàn dặm đường xa

NganDam-logo small      Các bạn thân mến,

Trang nhà chúng tôi được hân hạnh tham dự chuyến tham quan những địa danh mà những tưởng chỉ có trong ký ức năm xưa.

Trước hết, xin ghi lại những nhân duyên phát khởi chuyến đi ngày hôm nay. Và sau chuyến đi sẽ ghi lại “Du ký-đất khách quê nhà”

1/ Trong một lần được đọc quyển Hòa thượng Hư Vân, đọc những con đường Ngài đi qua rất gian khổ đắng cay. Vào năm Quang Tự thứ 14 (1888), Ngài 49 tuổi, sau khi đã triều bái Ngũ Đài Sơn và ẩn cư cùng các bậc thượng nhân trong hai năm, Ngài xuống núi đi về phía nam. Qua hang Tý ngọ, qua những thắng cảnh dần đến đất Xuyên, trong ký sự ghi “Đi một mình, ba y một bình bát, hoàn toàn không hệ lụy, tiêu dao sơn thủy, ngoại cảnh cũng giúp nội tâm yên tĩnh”.

Đến Thành Đô vào Chùa Chiêu Giác. Hai chữ Chiêu Giác nhắc đến một cuộc đời kỳ vĩ của thiền sư Khắc Cần Viên Ngộ, người viết bản Bích Nham Lục, sau này được xưng tán là “Đệ nhất thiền thư” (chuyện này sẽ kể sau).

Sau đó Ngài bắt đầu đi dần về hướng Tây, trong ký sự Ngài ghi và mô tả khá rõ ràng, nhưng không thể tưởng tượng ra những gì đã đọc, cho đến sau này mới có bản đồ để dò theo con đường Ngài kể, tạm xin vẽ lại con đường Ngài đi đến lạp-táp (Lhasa).

Ngài viết: “Tháng năm, qua sông Lô, đến Nhã An, có sông Đại Đô, phải dùng dây cáp làm cầu Lô Định, dài hơn 30 trượng, Người sang sông bằng cầu này, lúc nào cũng hồi hộp kinh hoàng”.

Ban đầu có lẽ đơn giản thế này, sau thì nhiều dây cáp hơn

DayCap cu LoDinhCau LoDinh

Và cuối cùng có lắp ván vào, đi qua có lẽ bớt kinh hoàng.

Lô định kiều

Khi vào lãnh thổ Tây Tạng, Ngài kể các địa danh, theo đó, chúng tôi đánh dấu trên bản đồ: Ba Đường (có nhiều núi non chớn chở), Sát-mộc-đa tức Xương Đô (nơi đây nhiều sông ngòi), lên phía Tây đến Thạc-đốc, qua A-lan-đa, đến Lạp-lý tức Gia Lê (vùng này đất rộng người thưa, gồm nhiều sắc dân hán, Tạng, Phồn, Dao…). Từ Nam Lạp-lý đến Giang Đạt (Thái Chiêu). Qua sông Ô-tô, vượt sông lạp-tát là thủ đô Lạp-tát (Lhasa) . Rồi Ngài đi tiếp qua Cống-cát, Giang  Tư đến Nhật Khách Tắc tức Trát-thập-luân-bố.

“Từ đất Xuyên vào Tây Tạng tôi đi hết một năm, mặt trời mọc đi, mặt trời lặn nghỉ, trèo núi lội sông, nhiều ngày không gặp một người, chim thú khác lạ, phong tục càng khác lắm”.

duongDi-ngai-HUVAN-web

Những con đường hầu hết đi trong thung lũng, qua đèo liên tiếp, nhìn trên bản đồ này chỉ thấy địa danh, khi xem hình chụp bằng vệ tinh mới thấy núi non trùng trùng điệp điệp.

Đó là buổi đầu đã gieo vào tâm thức một con đường cheo leo hiểm trở, một người độc hành vượt qua núi cao suối rộng. 

Ngài kể, ngoại trừ những lúc vượt biển, ngoài ra đều đi bộ, trèo non lội suối, gió sương, mưa tuyết, sỏi cát núi ghềnh… trong lòng riêng soi, tự xét lại lấy mình!

Sau khi Ngài về, thì có một đoạn ngoài lề những chuyến trèo non vượt suối, nhưng lý thú nhất. Xin ghi lại các bạn cùng thưởng lãm.

Đó là vào năm Ngài 56 tuổi, tham dự “đả thất” ở chùa Cao Mân (Dương Châu).

Đến tuần thất thứ 8, vào buổi tối thứ ba, lúc ngồi đến nén hương thứ sau, vị hộ thất rót nước sôi pha trà, văng trúng tay tôi, chén trà rơi xuống đất vang lên một tiếng, nghi tình dứt sạch, giống như người vừa tỉnh mộng! …. Nhân đó làm bài kệ:

Bôi tử lạc phốc địa,
Hương thinh minh lịch lịch,
Hư Không phấn toái dã,
Cuồng tâm đương hạ tức.

Chén trà rơi xuống đất,
Vang thành tiếng rõ ràng,
Hư không bỗng tan nát
Cuồng tâm dứt sạch hết.

2/ Quyển sách thứ hai, gây ấn tượng về một miền đất chưa nghĩ đến, đó là quyển Du hành Tây Tạng của Alexandra David-Néel (1868-1969).

Quyển này có hai ấn bản tiếng Việt.

Cuộc du hành của một phụ nữ Ba Lê đến Lạp Tát, thủ đô Tây Tạng
[Alexandra David-Neel] ; Minh Tâm và Ẩn Hạc phóng tác theo bản tiếng Pháp: “Voyage d’une Parisienne à Lhassa”.

Hành trình tới Lhasa bản dịch của Huỳnh văn Thanh theo bản tiếng Anh: My Journey to Lhasa

Bà David Need đi bằng ngõ Vân Nam, một chặng đường cheo leo và nguy hiểm gấp bội con đường ngài Hư Vân. Khi qua đèo Dokar là bước vào biên giới của Tây Tạng. Về sau có người đến nơi đây chụp hình và ghi chú:

We will trek 5hours to Manitong. On the way, visit the mythical Dokhe-La pass (3500m) . The famous French women Alexandra David Neel used this road on the early 20th …

Bà đến rặng Khawa Karpo Tibet (6.740m = 22,110 ft)  rồi đến bờ sông Lhakang-ra. Cứ thế qua đỉnh núi này đèo dốc kia, qua sông băng suối, đi không kể đêm ngày! Gặp muôn vàn hiểm nguy.

Rất nhiều người về sau này dò tìm theo con đường được mô tả trong quyển sách bà David Neel viết, nhưng chưa tìm được hết những địa danh bà và lạt-ma Yongden đã đi qua. Lúc đó bà như thế nào nhỉ, may là có tấm hình ghi lại lúc bà khởi hành.

strong-women

Dòng sông Nu tại Vân Nam, nơi những bước đầu phát xuất.landscape of Yunnan Nu river

Không hẳn những khó khăn đã qua là đáng kể mà những đoạn bà ghi lại những tâm tình về những bài học, học được trên cuộc hành trình đó, khiến cuộc hành trình có một linh hồn đặc biệt. Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm này đến các bạn.

3/ Về sau chúng tôi lại có nhân duyên “Dõi bước Huyền Trang”, thật thấm thía hết những gian lao trên những chặng đường, một mình một bóng qua sa mạc Gobi.

samac-gobi

Mỗi cuộc hành trình, sự khám phá ra chính mình.

Như lời ngài Hư Vân ghi “trong lòng riêng soi, tự xét lại lấy mình!”,

Bà David-Neel ghi “Tôi đã sống một chỗ còn xa hơn thế nữa, gần tuốt trên đỉnh tuyết phủ quanh năm, thời gian ở suốt mấy năm dài giúp tôi biết được những bí ẩn và niềm hạnh phúc trong cuộc sống của các vị khổ tu chuyện tâm thiền định.

Xa hơn trong các hoang mạc, cao hơn trên những đỉnh núi không lồ, người ta còn tìm đến những hang động và những nơi mà hầu như như không đến được. Nơi mà họ có thể thiền định mãi mãi một mình…”.

Không hẳn là một cuộc du ngoạn dạo cảnh, mà luôn học hỏi không ngừng, khám phá chính mình qua những bài học đang tiếp nhận…


< Trở về mục lục

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *