Bức tranh có một điểm, mà diễn tả được lời nói trên đó.
Bạn ngắm kỹ, rồi nói, Cũng khó mà nói điểm nào trên đó khiến mình cũng cảm thấy thế. Ban đầu nhìn vẻ trơ trụi của một cánh rừng chuẩn bị sang đông, đáng ra trơ trọi hết mới là toàn vẹn, nhưng có một khoảnh lá chưa rời cành, khiến mình hiểu rằng, không cần điểm thêm, cũng không cần lấy đi. Nhưng đời sống, có mấy lúc mình nhìn ra cuộc sống mình đang như thế nhỉ, để đỡ buồn bực với những gì đang thấy, hình như cần bỏ bớt những cái làm mình bực bội, và thêm vào những cái mình ưa thích.
Một bạn ngồi cạnh chêm vào: Nói có lý quá ha! Nhưng nhìn chữ “đơn giản” trên bức tranh, là biết, nghĩa là sẽ quá khó với cái nhìn luôn phức tạp như bọn mình.
Có lẽ chỉ vì “quá muốn” theo ý mình, như ý mình. Mà đôi lúc chính đương sự cũng phải buột miệng than rằng “lực bất tòng tâm”, mình cũng không sửa mình được theo ý của chính mình, mà mong sửa hết mọi cái, mọi người theo ý mình…
Mà mình không thấy là lạ, bạn định nói vậy, phải không.
Khi nhận ra là vậy, có lẽ là lúc cần thay đổi gì, cũng không quá gắt để gây ra đổ vỡ. Nhưng vì quá nóng nảy khi chỉ nhìn thấy ý mình, dễ “ra tay” chỉnh sửa mọi thứ lập tức, tức thì… và rồi cái đọng lại trong tâm là sự bất mãn, muộn phiền, người đang sống, cảnh đang sống…
Nhưng có cách nào? Mình biết không nên hỏi vậy, vì cách nào cũng là từ tâm lắng dịu. Nhưng mọi cái sao cứ bắt đầu từ mình, sao mà khó đến vậy!