Ngày thứ 8 trong chuyến đi – 13-10-2015: Koyasan – Cao Dã Sơn

Ngày 8 – 13/10:   Koyasan – Cao Dã Sơn
Theo lịch trình thì sáng nay sẽ tham dự thời thiền buổi sáng tại Thiền viện
 
Tôi bỏ giờ thiền này, ngồi trong phòng uống trà một mình, bâng quơ về một đời trôi qua. Về những ước mơ khi còn tuổi trẻ, và những nghĩ suy khi bước đến tuổi già.
Không khí trầm lắng, khung cảnh tịch mịch khiến người ta nhớ đến quyết tâm của một thời tuổi trẻ, “Đơn đao đột nhập vô thượng giác, chướng ngại bát phong không chướng ngăn”…
Tham quan Áo Dã Tự (Okuno-in)
Chọn cảnh rực rỡ nhất trước khi bước vào rừng mộ tháp
Là nghĩa trang rộng lớn nhất Nhật Bản, nghĩa trang Okunoin có tới
200.000 phần mộ và 100 ngôi đền trải dọc con đường dài gần 2km ở rừng Mount
Koya. Có những bia mộ có tuổi đời đến hàng thế kỷ.

Lăng của Kobo Daishi (Không
Hải Đại Sư)- người sáng lập Phật giáo Shingon  (Chân Ngôn Tông) được đặt tại đây, được chiếu
sáng bởi 10.000 lồng đèn. Dân địa phương truyền rằng linh hồn Kobo Daishi vẫn
ngồi thiền giữa chốn liêng thiêng, độ trì phúc lành cho người dân

Rêu phủ mộ xưa
Nhìn rêu phong trên mộ biết thời gian trôi qua đã rất lâu . Đặc biệt nơi khu mộ tháp này cây tùng dương rất cao, và cả một rừng tùng nên không khí có vẻ trong lành. Không bị cảm giác ẩm thấp của mộ. Cây lâu đời đến nỗi lớn dần và ba cây chụm lại như núi cao. 
 
Đại sư Kūkai (Không Hải 空海, 774-835) còn được gọi là
kōbō daishi (Hoằng Pháp Đại Sư
弘法大師,), là một vị Cao tăng Nhật
Bản, sáng lập Chân ngôn tông (shingon-shū)—dạng Mật tông tại Nhật. Sư tu học Mật
tông tại Trung Quốc theo sự hướng dẫn của sư phụ là Ngài Huệ Quả. Sau về Nhật mở
đạo trường tại núi Cao Dã, về sau trở thành trung tâm của Chân ngôn tông.
Hoằng Pháp Đại Sư tôn tượng

Nơi đây mộ tháp và tạc hình  Đại Sư Không Hải.
Chuyện kể về cuộc đời Ngài khá nhiều, và rất nhiều tình tiết lạ. Xin tạm trích trong Phật Học Tinh Tuyển về tiểu sử của Ngài

 Với lòng quan tâm rất lớn đối với Mật Giáo, vào năm 804, lúc 34 tuổi, ông được cho đi theo cùng với Đằng Nguyên Cát Dã Ma Lữ (藤原吉野麻呂) sang nhà Đường. Giữa đường cả hai người gặp nhiều trắc trở trên biển cả, nhưng cuối cùng cũng đến được kinh đô Trường An.Năm sau từ tháng 5 đến tháng 12, ông theo hầu hạ Huệ Quả (惠果) ở Thanh Long Tự (青龍寺), và được thọ nhận lễ Quán Đảnh và kế thừa bí pháp từ vị này. Bên cạnh đó ông còn theo học pháp với Bát Nhã Tam Tạng (般若三藏), nhưng vì vào tháng 12 Huệ Quả viên tịch, nên tháng 10 năm sau (806), ông phải trở về nước, mang theo nhiều kinh luận và pháp cụ Mạn Trà La. Đến năm 36 tuổi, ông đến trú tại Cao Hùng Sơn Tự (高雄山寺) vùng Kyoto và bắt đầu thắp sáng ngọn đèn Chơn Ngôn Mật Giáo tại đây. Từ đó, ông được Tha Nga Thiên Hoàng (嵯峨天皇, Saga Tennō) ủng hộ và chấp nhận cho phát triển Chơn Ngôn Tông. Thêm vào đó, ông còn giao tế với Tối Trừng (最澄, Saichō) của Thiên Thai Tông và đã từng truyền thọ pháp Quán Đảnh cho vị này cùng với đệ tử của ông. Đến năm 816, lúc 43 tuổi, ông đến khai sáng vùng Cao Dã Sơn (高野山, Kōyasan) và trãi qua quãng đời cuối cùng của ông tại nơi đây. Đến năm 823, lúc 50 tuổi, nơi đây đã trở thành đạo tràngcăn bản cho Chơn Ngôn Tông, và quần thể tháp đường cũng được kiến lập nên. Chính trong khoảng thời gian này, Không Hải đã bố giáo cho rất nhiều đệ tử, thuyết giáo cho rất nhiều người và xây dựng nên giáo đoàn của Chơn Ngôn Tông. 

Có một điều thú vị là năm 806, trước khi về Nhật Bản sau khi thăm Trung Quốc, Ngài tới thăm Hòa thượng Sưởng Pháp và có bài thơ này.

在唐觀昶法和尚小山
  看竹看花本國春,
  人聲鳥哢漢家新。
  見君庭際小山色,
  還識君情不染塵。
Tại Đường quán Sưởng Pháp hoà thượng tiểu sơn
Khán trúc khán hoa bản quốc xuân,
Nhân thanh điểu lộng Hán gia tân.
Kiến quân đình tế tiểu sơn sắc,
Hoàn thức quân tình bất nhiễm trần.
Tạm hiểu như sau:
Xem trúc, xem hoa nơi nước Ngài vào mùa xuân,
Tiếng người, tiếng chim rộn rã làm mới nước nhà.
Thấy cảnh sắc ngọn núi nhỏ trước sân,
Cũng biết tâm ông chẳng nhiễm bụi trần.
 
Chiều tham quan Đàn Thượng Già Lam 高野山壇上伽藍 (Danjo Garan)
Cao Dã Sơn Chân Ngôn Tông
 
 
Căn Bổn Đại Tháp
Đi tham quan nghe giới thiệu đôi dòng, nhưng vì không quen nên mọi thứ cũng không rõ ràng lắm.
Một nơi chốn được bao quanh bởi 8 ngọn núi, và khách du lịch khá đông. Sự cúng bái lễ lạy rất nhiều. Muốn đánh thức niềm tin về bản tâm trong sáng trong mỗi người cũng không phải chuyện dễ.
Trong mỗi người có một niềm “sợ hãi thầm lặng”, nên khi nương tựa nơi đây nghe an tâm hơn. Có được sức che chở hộ trì, có lẽ tâm dễ chịu hơn. 
Có một nhận định thế này về Chân Ngôn Tông: 

Chân ngôn tông tôn xưng Phật Đại
Nhật (sa. vairocana), chính là Pháp thân vô tận, là vị Phật nguyên thuỷ tuyệt đối,
và chỉ kẻ được quán đỉnh mới được tu tập theo tông này. Phái này chủ trương
không thể diễn tả giáo pháp bằng văn tự mà chỉ bằng hình ảnh nghệ thuật và vì vậy
các mạn-đồ-la đóng một vai trò quan trọng trong tông này.

Ra khỏi cổng đi bộ dần xuống dốc, giữa đường đến Kim Cang Phong Tự.
Kim Cang Phong Tự 金剛峰寺 (Kongoby-ju アクセス)
 
Đây là tổng bản sơn của Chân Ngôn Tông tại Cao Dã Sơn. 


Nơi đây tìm được một ấn bản “Cao Dã Sơn Đại Già Lam” và “Koyasan” bằng tiếng Anh, hình ảnh khá rõ ràng và chi tiết. Khi xem lại, mới hình dung hết những gì đã xem từ sáng đến giờ. Trong tập sách kể về sự thành lập Cao Dã Sơn và cuộc đời Không Hải Đại Sư, cùng những cảnh chùa thuộc vùng này. 


Đang đứng nhìn bâng quơ thì có người đến chỉ nhìn cây cầu, đôi lúc có những cảnh chẳng liên quan quan gì đến điều đang xem và ghi chép nãy giờ, nhưng lại làm nhẹ đi những gì đang quan tâm.

Trên đường đi ra, có một góc nào đó, có một hình ảnh chiếc thất ẩn cư. Có lẽ mái lá dầy nên có nhìn mạnh mẽ hơn thất bằng lá dừa hay tranh. Quê nhà như hiển hiện, quên rằng mình đang đứng trên đất khách.

Bạn bảo ai cũng đang trên đất khách, ai cũng đang đứng tại quê nhà!

(Còn tiếp)
Trang 38 của 50« Đầu...102030...363738394041...50...Cuối »