Ai người đến được

Ngày 3- 15/10/2019 : Sankasia Sravasti (Xá-vệ)

Sáng sớm, lên sân thượng, trăng còn chênh chếch trên nền trời. Bên trời đối diện có một ánh hồng, mặt trời sắp lên.

Untitled-1

Đoàn chuẩn bị đến Sankassa.

Thầy Huyền Trang khi đến đây ghi lại rằng:

Đông 200 dặm đến Kapitha (Kiếp-tỉ-tha 劫比他). Khí hậu đất đai như những vùng trên, người ham học, nhiều tác phẩm nghệ thuật. Có bốn ngôi chùa, tăng đồ hơn hai ngàn người, học theo Tiểu thừa Chánh lượng bộ.

Truyện tích kể, đây là nơi đức Phật từ cõi Tam thập tam thiên (cõi trời ba mươi ba) trở về, sau khi đã thuyết pháp cho mẫu thân. Sau đó các vua cho xây một trụ đá ghi lại việc này, bên cạnh có trụ đá của vua A Dục xây cao hơn 70 thước. Cạnh đó không xa là một bảo tháp ghi dấu tích bốn vị Phật thời quá khứ kinh hành và tọa thiền. Bên cạnh tháp có tảng đá có dấu chân Phật.

Nơi đây cũng kể rằng Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc hóa ra vua Chuyển luân vương đi đón Phật đầu tiên khi đức Phật từ cung trời về, nhưng đức Phật bảo người đón ngài đầu tiên chính là Thiện Hiện Tu-bồ-đề đang ở trong động quán pháp Không…

Bảo đài vẫn còn nhưng bị thời gian làm hư hoại nhiều.

Nếu không nhờ công sức khảo cứu của nhiều người nhiệt tâm thì khó mà tìm ra nơi đây. Tuy trong “Đại Đường Tây Vực Ký” mô tả kỹ nhưng chỉ ghi những địa danh bằng chữ Hán như 劫比他 để chỉ nơi đây. Những người đi trước đã cố gắng có những đối chiếu địa danh chữ Hán trong bản Đại Đường Tây Vực Ký ra tiếng Anh, như Hòa thượng Minh Châu với bản “Hsuan-Tsang, the Pilgrim and Scholar”.

Bây giờ Sankassa thuộc Farrukhabad district, Uttar Pradesh, India.

Đến nơi chỉ thấy một đồi nhỏ, phủ cỏ. Lên đồi có một khoảng trống và một đài nhỏ, có lẽ theo lời Thầy Huyền Trang nói đây là bảo đài đã bị hư hoại nhiều.

Sankisa-baodai

Bên cạnh bảo đài, có một khoảnh đất nhỏ hơi bằng phẳng, đủ để vài mươi người ngồi lắng tâm, đón bước chân Phật.

Sankisa-toathien

Phía bên trái cách Bảo đài một khoảng có một tháp nhỏ, ghi chữ Phạn जयबजरंगवली

a

là đền thờ Lord Sri Hanuman, đạo Hindu. Hàng năm cũng tổ chức lễ rất lớn.

Vì đền dựng sát bên cạnh, nếu không biết, rất dễ nhầm lẫn với tháp Phật.

Đạo Phật phát triển khi đã có đạo Hindu, sau đó đạo Phật lại mất dấu trên đất Ấn mấy trăm năm qua. Tìm lại dấu chân xưa, thật không dễ giữa bụi mờ thời gian.

Đứng trên đồi cao, lòng thật cảm khái giữa mất và còn, được và mất. Xem lại đoạn thầy Huyền Trang kể lại, khi Phật từ cõi trời Đao Lợi về, ai là người gặp Phật.

Không phải người đến trước hay đến sau, mà chỉ là người “tâm không”. Sự gặp nhau từ tâm đến tâm, quá mênh mông trùm đất trời.

Xuống đồi, nơi trụ cột của vua A Dục đánh dấu, bây giờ chỉ còn đầu voi.

Sankisa-truvoi

Lòng có thoáng thắc mắc, sao là trụ đầu voi! Bởi trong tâm khi nghĩ đến trụ đá A Dục phải là đầu sư tử.

Theo ký sự ngài Pháp Hiển ghi: A-dục vương dựng một trụ đá cao hai mươi khuỷu tay, trên trụ đá tạc tượng sư tử.

Rời ngọn đồi ghi tích xưa, thăm viếng chùa gần đó, có những bức tranh ghi lại chư thiên đón rước Phật,

Kinh Tạp A Hàm quyển 2 ghi: “Ngài liền từ tòa đứng dậy đến đỉnh núi Tu Di đi trên đường vàng, bên phải có Phạm Thiên Vương đi trên đường bạc, bên trái có Đế Thiên Đế Thích đi trên đường lưu ly, và vô số chư Thiên, Long, Thần theo sau có nhạc, ca và rải muôn hoa trời rực rỡ. Năm vua, các quan đại thần, tứ chúng, và muôn ức dân chúng nghênh đón đều quỳ lạy Đức Thế Tôn từ trên không từ từ đặt hai bàn chân xuống đất, lúc ấy tam Thiên đại Thiên thế giới sáu lần chấn động…”

Có lẽ về sau theo sự diễn tả trong kinh mà họa tranh.

Sankisa-Phat

Đối với Đức Phật cái khó không phải là thần thông, nhiều người tu tập theo nhiều tông phái khác vẫn có thần thông. Nên sau này Phật không cho phép đệ tử thi triển thần thông, nếu không được sự cho phép của ngài, vì không muốn mê hoặc người. Có lẽ thần thông cũng là việc hữu lậu.

Buổi trưa rời khách sạn đi tiếp về thành xá vệ. Nhìn trên bản đồ, biết là đường còn xa.

Xave-map

Bài học đi qua, Ai người đến được, nhưng giữa dòng đời, tâm luôn muốn là người đến trước. Nhưng trước hay sau cũng trôi qua, cái gặp chính là tương thông giữa tâm với tâm, không bị chữ trước sau ngăn ngại.

“Tình tồn nhất niệm ngộ,       Tình còn một niệm ngộ,
ninh việt tích thời mê.”            Đâu vượt mê ngàn xưa.

Lục Tổ dạy, còn một niệm mong ngộ đâu qua được cái mê xưa, nữa là mong được điều gì. Đáp án của ngài Tu Bồ Đề rõ ràng, nhưng rồi, vẫn còn lơ lửng giữa trời không. Và chuyến đi vẫn là trước mắt.

 


< Trở về mục lục

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *