Kể ra cũng đáng ngại cho “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, mặc dù rất khó chấp nhận chính mình lại đồng thanh đồng khí với hoàn cảnh như thế, với những người như thế. Cứ nghĩ, mình đâu đến nỗi phải có hoàn cảnh, muốn cao bay xa chạy thế này!
Bây giờ chọn nên thế nào với người và cảnh này -khi thật khó chấp nhận rằng do mình nên có cảnh và người chung quanh như thế- là “tùy thuộc vào bạn”.
Tùy mình ư! Mới nghe cũng khó chấp nhận. Nhưng rồi, có nhiều cách nhìn cho một câu nói.
Rất khó làm gì tâm người bên ngoài. Đâu thể nói rằng: Xin đừng làm khổ nhau nữa! Xin đừng đối xử như thế nữa! Xin hoàn cảnh đừng lâm vào ngõ cụt nữa!…
Cách đơn giản nhất là từ tâm chính mình, và nhìn ra rằng mình chưa có thói quen nhìn lại tâm mình, chưa có thói quen dừng bớt những suy nghĩ khiến cảnh đáng buồn, buồn thêm.
Bớt một chữ “thêm” cho mọi điều. Khổ, đừng suy nghĩ để khổ thêm, buồn đừng nuôi lớn để buồn thêm, thất vọng đừng nhìn mãi điều không tốt để thất vọng thêm, tổn thương nếu nghĩ mãi đến lời nói hay hành động chỉ làm tổn thương thêm… Bớt một chữ “thêm” cho mọi điều, có lẽ là việc có thể làm trước nhất. Và lúc đó tâm mới không đổ theo lối mòn càng khiến cho tâm càng kiệt sức. Khi mọi thứ ở mức chịu được, mới bình tâm nhìn rõ sự việc.
Và mới thấy “điều gì chọn đối với việc đó là tùy thuộc vào bạn”.
Định chưa rõ lắm, nhưng muốn dừng những suy nghĩ về việc đang đau lòng thì quả thật khó. Đọc kỹ, có lẽ lâu nay không có thói quen dừng suy nghĩ, mà cứ nghĩ mãi nghĩ mãi về việc nào đó đang bận tâm.
Định sẽ để ý lại, sẽ chọn dừng bớt lại!
Vâng, tuy không dễ dàng, nhưng làm được bạn ạ.