Chùa Dâu

Trong Thiền Uyển Tập Anh, dòng thiền đến phương Nam trước thời
nhà Trần là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường
Dòng thiền đến sớm nhất là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Tổ đến chùa Pháp Vân,
gọi là chùa Dâu. Đây được chọn là điểm tham khảo đầu tiên.
 
Nhắc đến chùa Dâu là nhắc đến Luy Lâu.
Cổ thành Luy Lâu (羸婁) là thủ phủ của Giao Châu từ những năm 111 trước công nguyên. Hiện nay thuộc xã Khương Tự, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Khi đọc lại những khảo cứu của những nhà sử học quan tâm đến Luy Lâu, cho biết quanh thành cổ là sông Dâu. Và dòng sông đã bị
lấp từ lâu, có lẽ như lời thơ Tú Xương nói về dòng sông đã lấp:
 
Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai,
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
 
Không biết có ai giật mình nghe tiếng gọi đò chăng, nhưng khi đặt chân đến vùng đất Dâu, thì giật mình khi thấy mọi dấu vết thành lũy chỉ còn một bờ đất chạy dài.
 
Bờ thành Luy Lâu
Những bài học từ thuở nhỏ bỗng chốc thoáng hiện, khi thành Luy Lâu, gắn liền với tên Sỹ Nhiếp (士燮). Thời nào cũng vậy, người nào thương dân, khiêm nhượng với các thuộc hạ, kính trọng các bậc sĩ phu không áp bức ai và có tính tình rất phóng khoáng, thì sống mãi trong lòng người. 
 
Sự mong đợi một cổ thành thoáng chốc tan đi, chỉ còn những chân cột bằng đá, và những bia đá được khai quật đã không còn đọc rõ chữ, để biết trong lòng bia kia đã chứa đựng những gì. Bây giờ chứng tích khai quật chỉ để biết rằng xưa kia nơi đây có một cổ thành, có một dòng sông… Có những bia đá lặng thinh không lời, mặc cho mọi người phỏng đoán những gì đã từng được gởi gắm nơi bia đá.

1- Chùa Dâu
  
Tết nên người viếng chùa khá đông.
 
Cổng vào chùa Dâu, nhìn rêu phong
Nhìn cổng thì thất vọng đôi chút, nhưng thôi bỏ qua tiểu tiết, có lẽ để giữ lại những rêu phong của di tích, nên không thể trùng tu.
 
Hai câu đối ghi lại thế này:
九層塔百間禪北地伽藍
壹近市弍近江南天勝景
Cửu tầng tháp bách gian thiền bắc địa già lam
Nhất cận thị nhị cận giang nam thiên thắng cảnh.
 
Lúc ngay đó thì đọc không ra vì chữ “nhất” và chữ “nhị” viết theo lối trang trọng của chữ cổ! Thay vì nhất () và nhị () như chúng ta quen thấy.
 
Bước vào trong nhìn sơ đồ chùa Dâu:
 
 
Nhìn sơ đồ tại chùa Dâu, phía Đông Bắc là chùa Phi Tướng và thành cổ Luy Lâu, xa hơn nữa là chùa Dàn ở Phương Quan (chùa Dàn có tên chữ là “Trí Quả tự” thuộc thôn Phương Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh)
 
Ra đây mới biết “tên chữ” và “tên gọi”. Chẳng hạn chùa Bồ Đề ở phố Văn Trì, nên có tên chùa Văn Trì, Chùa Phúc Quang ở phố Đình Quán nên có tên chùa Đình Quán…
Và tên chữ chùa Pháp Vân (法雲寺), còn tên gọi là chùa Dâu.
 
Chùa nằm trong vùng đất Cổ châu nên còn gọi chùa Cổ Châu.
 
Chùa tên Diên Ứng (延應寺), theo truyền thuyết mỗi lần cầu mưa đều có linh ứng, hay còn thuyết nào nữa không, chưa nghe kể. Còn tấm bia “Phúc Nghiêm tự sự tích bi” niên đại Tự Đức thứ 26 (1873) đặt tại chùa Dâu cho biết đến thời Lý chùa Pháp Vân đổi tên là
“Diên Ứng”. Lúc đó tên chữ lại là Diên Ứng.
 
Chùa có rất lâu trước khi tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi đến, theo sử sách thẩm định chùa xây dựng khoảng 187 và hoàn thành năm 226, nhìn biên niên sử sẽ thấy thời Sỹ Nhiếp nhậm chức thái thú tại Giao Châu từ 187-226.
 Tổ đến vào năm 580 và mất năm 594. Trước khi đến đây, nếu đi đường bộ thì các tăng sĩ khi về phương Nam đếu qua chùa Chế Chỉ tại Quảng Châu, sau đó theo thương thuyền về Giao Châu là tiện nhất. Các nhà buôn từ phương Tây đến thường ghé Luy Lâu trước rồi đến Quảng Châu, nên Quảng Châu là trở về có lẽ vẫn theo đường như thế, và mường tượng như Tổ theo đoàn tàu từ Quảng Châu đến Luy Lâu, và dừng chân nơi chùa Dâu.
 
(còn tiếp)
Trang 4 của 41234