Khi sao mai mọc

Buổi tối sau một ngày di chuyển, nhìn trời mưa không biết nên ra Bồ Đề Đạo Tràng hay để sáng mai. Cuối cùng đoàn quyết định ra Bồ đề. Vượt bao gian khó đến đây, sá chi chút gió mưa. Đến nơi trời thương, mưa dứt.

BoDe-dem BoDe-dem1

Buổi tối yên ắng, soi tỏ bước chân đi.

BoDe-Phat

Đêm tối hay ngày sáng, Đức Phật vẫn tự tại nhìn đoàn người lần lượt lễ bái.

Lúc trước nơi đây mở cửa cả đêm, nhưng bây giờ 9 giờ tối đóng cửa, sáng 5 giờ mới mở cửa.

Đoàn đâu thể tọa thiền cả đêm chờ sao mai mọc!

*

Ngày 8 – 20/10/2019: Bồ Đề Đạo Tràng

Trở lại khi mờ trời, vào tọa thiền, thiền hành và dạo quanh. Lắng nghe, tiếng tụng kinh, cầu nguyện lẫn vào nhau thỉnh thoảng có một tiếng chim rơi vào khoảng lặng ngắn ngủi giữa những âm thanh vang vang, rồi chìm trong khói hương.

Tháp Bổ Đề vào buổi sáng.

BoDe-buoisang

Đứng lặng bên cội bồ đề.

BoDe-caybode

Nơi đây thái tử Tất-đạt-ta thành chánh giác. Vị Phật ra đời.

Từ những năm tháng trải qua để có một lời giải đáp về những gì thấy khi ra bốn cửa thành: Sanh già bệnh chết, cho đến đêm vượt thành xuất gia, trải qua những tháng năm khổ hạnh, bát sữa Sujata…

Bây giờ là đây. Tình nào là vĩnh cửu là đây!

BoDe-phapcu

Từ Bồ Đề đạo tràng trở về, đi thăm làng Sujata, nơi đây dựng một đền kỷ niệm, cô Sujata dâng bát sữa.

Sujata

Vì lòng tôn kính nên những người đến viếng dâng hoa và khăn, khiến tượng nhìn không rõ.

Nơi cô Sujata sinh sống có một tháp kỷ niệm, nhớ nhân duyên đặc biệt của cô khi dâng bát sữa, lúc Siddhartha, vì khổ hạnh ngất bên đường.

Sujata-thap tháp Sujata

Từ nơi làng Sujata đi một đỗi đến sông ni liên thiền. Người sa môn khổ hạnh kia, sau khi hồi tỉnh đi đến dòng sông ni liên thiền, băng qua con sông đến gốc cây bồ đề. Có một người chăn bò ở làng này cúng một bó cỏ để trải tòa ngồi.

Sông không sâu có thể băng qua, nhìn phía xa thấy tháp của Bồ Đề Đạo Tràng.

Nilienthien

Rồi vị sa môn kia ngồi dưới gốc cây bồ đề với lời thệ nguyện, nếu không thành chánh giác sẽ không rời tòa này.

Đến ngày thứ 49 khi sao mai mọc, ngài thành đạo.

Kể lại đơn giản vài dòng như thế. Nhưng dưới gốc cây bồ đề sáng nay vừa nhìn thấy, có một đêm qua trước khi thành đạo, rất nhiều hình ảnh ma mị mời gọi người rời tòa bồ-đề.

Không dám nghĩ lại đời mình, đã luôn rời tòa bởi những ảo hình mỗi ngày mời gọi.

*

Sáng sớm hôm sau đến gốc Bồ đề tọa thiền lần nữa, mới cam lòng rời tòa, đi đến Khổ hạnh lâm.

Khổ Hạnh Lâm là tên của một khu rừng thuộc thị trấn Uruvela (Ưu-lâu-tần-loa), bên dòng sông Naranjana (Ni Liên Thiền), tiểu bang Bihar ngày nay.

KhoHanhLam

Nơi vị sa môn trú ngụ 6 năm. Tu hành khổ hạnh, ngày chỉ ăn vài hạt mè. Thân thể gầy gò. Trong động, dựng một tượng miêu tả hình ảnh khổ hạnh.

Trước khi vào động, có một bức tranh bức tạc trên đá, gắn vào tường.

KhoHanhLam1

Trong hang đá hang đá Dungeswari nhỏ hẹp, đủ tranh mưa nắng.

khohanhlam-2

Kinh Trung bộ ghi:

 “Vì Ta ăn quá ít mỗi ngày, nên cơ thể Ta trở nên hết sức gầy yếu. Tay chân Ta như các lóng tre khô đầy khúc khuỷu. Hai bàn tọa của Ta trở thành giống như móng trâu, xương sống với cột tủy lồi ra trông giống chuỗi hạt. Xương sườn Ta lộ rõ như rui cột của ngôi nhà đổ nát. Ðồng tử của Ta nằm sâu trong hố mắt thăm thẳm long lanh giống như ánh nước long lanh từ dưới giếng sâu. Da đầu Ta khô héo nhăn nheo như trái mướp đắng được cắt đem phơi nắng khô héo nhăn nheo. Nếu Ta muốn sờ da bụng thì Ta đụng nhằm xương sống vì hai thứ đã dính sát vào nhau. Nếu Ta muốn đi đại tiện hay tiểu tiện thì Ta ngã úp mặt xuống đất. Nếu Ta chà xát tay chân thì đám lông hư mục rụng xuống trong tay Ta”.

 

 Mặc dù khổ hành đến cùng cực như thế, mặc dù không ai tinh tấn bằng đạo sĩ Cù Đàm, các đạo sĩ vẫn cho là cần phải tiếp tục khổ hạnh để đạt chân lý; thấy rõ ràng sau khi trải qua thời gian dài khổ hạnh như thế, cái chết đã gần kề, đạo quả chân lý chẳng thấy đâu, trí thức suy giảmtinh thần mệt mỏi, Ngài quyết định dứt khoát từ bỏ lối tu khổ hạnh.

*

Vì tuyến đường không thể theo trình tự của ngài đi, nên sau này chuyện kể, có lẽ phải sắp lại thứ tự, người đi chiêm bái mới hiểu rõ thế nào. Theo thuận tiện tuyến đường xe, đến làng Sujata trước, rồi mới đến đây. Một người chưa rõ lắm cuộc đời Đức Phật, sẽ chẳng nhớ sự thể thế nào.

Rời khổ hạnh lâm, nhớ lại cội bồ đề, mới hiểu một người với nghị lực phi thường trải qua sáu năm khổ hạnh, khi nhận ra con đường trung đạo, lại vẫn phải với nghị lực phi thường, thệ nguyện khi ngồi dưới cội bồ đề.

Một ý chí nghị lực quyết tâm, từ cửa đông thành Ca-tỳ-la-vệ ra đi với chí nguyện tìm một con đường giải thoát.

Bước xuống núi, đường dài gấp rút trước mắt, vượt hàng trăm cây số để đến Varanasi (ba-la-nại) cho kịp đêm xuống! Cũng được coi là ý chí chứ!

varanasi-map

Tự an ủi nhau rằng, nếu không quyết chí, quyết tâm sao có thể vượt ngàn dặm đến nơi đây được!


< Trở về mục lục

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *